Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Người Việt theo đạo Hồi ăn Tết như thế nào?

Dọc đê xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội, người dân đã bắt đầu chở đào, quất về nhà, buộc bó lá dong lên cột cho khô ráo, đám trẻ nô nức áo quần mới. Riêng ngôi nhà nhỏ của chị Vũ Thị Vui, 42 tuổi, không một chút không khí Tết bởi nhà chị là gia đình duy nhất ở xã này theo đạo Hồi (đạo Islam ) .

Chị Vui trở thành tín đồ đạo Hồi từ năm 2009 khi làm việc ở Arab Saudi bởi thấy tôn giáo này hướng con người đến những điều tốt đẹp như sống thánh thiện, không nói dối, nói xấu người khác.

Chị Vui (thứ 3 từ trái qua) cùng các chị em đạo Hồi ở Hà Nội trong ngày Tết sau tháng nhịn ăn Ramada 2019. Ảnh: NVCC.

Chị Vui (thứ 3 từ trái qua) cùng các chị em đạo Hồi ở Hà Nội trong ngày Tết sau tháng nhịn ăn Ramada 2019. Ảnh: NVCC.

Người đạo Hồi không được phép đón lễ tết ngoài tôn giáo mình, nên gia đình chị Vui không mong ngóng, sắm sửa gì. Dù vậy mọi người vẫn hòa chung vào ngày Tết Việt ở "một mức độ nhất định".

Mỗi dịp Tết Nguyên đán, gia đình chị sẽ về quê ở Phú Thọ, mang theo khoảng chục kg thực phẩm, chế biến từ thịt gà, thịt cừu, thịt bò. "Chúng tôi không ăn thịt heo. Các loại gia súc, gia cầm khác chỉ được ăn khi chính tay người trong đạo giết mổ. Riêng các món rau và đồ hải sản thì ăn được như bình thường", chị Vui cho hay.

Ngày đầu xuân, chị cũng biếu bố mẹ, thăm hỏi họ hàng một chút tiền, nhưng không gọi "lì xì, mừng tuổi", mà chỉ là thăm hỏi đơn thuần. "Tôi cũng gói bánh chưng nhưng chỉ để ăn cho vui", chị cho biết thêm.

Ba năm trước, Nguyễn Thị Hồng, 33 tuổi, ở TP HCM hỏi bố mẹ tại Nam Định: "Bố muốn con về dịp nào nhất?". Bố cô trả lời: "Ngày Tết".

Dịp này các gia đình Việt thường tảo mộ, cúng bái. Song với chị Hồng, lấy chồng người Malaysia và theo đạo Hồi 9 năm nay, việc đó không được phép. Những năm trước, gia đình và họ hàng không hiểu, trách móc cô rằng "lấy chồng bỏ cả văn hóa quê hương".

Hồng vẫn cố gắng về quê vào dịp Tết vì "bố là người tình cảm, muốn gia đình đông đủ, Trung tâm dịch thuật quây quần trong năm mới". "Đạo của chúng tôi dạy phải phụng dưỡng, hiếu kính với bố mẹ, ông bà ngày họ còn sống", Hồng chia sẻ.

Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NVCC.

Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: NVCC.

Bố Hồng từng sợ con gái chịu thiệt thòi khi cải đạo. Ngày cưới cô, ông đã bỏ ra ngoài nhà thờ khóc vì không chấp nhận được tôn giáo con theo và nghĩ số con sẽ khổ. Nhưng những năm qua thấy con hạnh phúc, người cha dần yên tâm.

"Bố mẹ giờ không còn trách móc như trước, nhưng vẫn bằng mặt không bằng lòng. Mỗi lúc tôi về quê, mẹ sẽ kêu đội khăn len thay vì khăn trùm đầu của phụ nữ đạo Hồi. Tôi cố gắng chiều theo ý mẹ trong khuôn khổ cho phép", Hồng, chia sẻ.

Chị Khánh Vân, 38 tuổi, quê Nghệ An theo đạo từ khi lấy chồng người Indonesia từ bốn năm trước. Cũng từ lúc đó, ngày Tết Việt không còn nhiều ý nghĩa với chị nữa vì "người Hồi không chúc mừng các ngày lễ Tết cổ truyền của người khác đạo".

"Mình về quê ngày Tết có đi lễ chùa cũng theo kiểu du xuân, vãn cảnh chứ không vào bên trong. Lì xì thì định tâm là biếu tiền làm từ thiện với người nhà, bạn bè chứ không theo phong tục", chị giãi bày.

Nhưng cái hay là từ khi vào đạo, chị không nói dối, không phải đề phòng ai. Đạo cấm rượu bia nên sau giờ làm là chồng chị về quây quần với vợ con. Đọc kinh 5 lần mỗi ngày khiến người phụ nữ này thấy cuộc sống thanh thản, không phải bon chen.

Vợ chồng chị Maria Nguyễn đều là người Việt theo đạo Hồi nhưng vẫn ngóng ngày Tết và tìm cách mang phong vị Tết tới hai con gái 9 tuổi và 4 tuổi.

"Năm nào mình cũng làm mứt dừa, bánh tét nhân chuối, bánh chưng nhân thịt gà và một nồi thịt bò kho trứng. Không cúng, nhưng đêm Giao thừa, vợ chồng mình cùng thức uống trà, chia vui khoảnh khắc đầu năm với nhau. Sáng sớm mùng một, mình sẽ lì xì cho hai con", Maria Nguyễn nói.

Bánh chưng nhân thịt gà, chuối và kẹo lạc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán của gia đình chị Maria Nguyễn. Ảnh: NVCC.

Bánh chưng nhân thịt gà, chuối và kẹo lạc chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán của gia đình chị Maria Nguyễn. Ảnh: NVCC.

Theo cô, phần đông các chị em kết hôn với chồng đạo Hồi thì sẽ không còn chào đón Tết Việt nữa. Nhưng gia đình Marie vẫn háo hức Tết, chỉ không làm những gì phạm đức tin. "Mình sẽ gặp người thân, bạn ăn uống và trò chuyện. Những chiếc bánh chưng, bánh tét làm ấm lòng ngày Tết xa quê nên mình hay gói 20-30 chiếc để tặng cho mọi người", Maria nói.

29 Tết này, Maria sẽ đóng cửa hàng ăn ở bang Terengganu, Malaysia. Chồng cô, một thông dịch viên của toà án và hai con đều xin nghỉ. Cả nhà sẽ ghé thăm vài địa điểm du lịch.

Phan Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét